HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên liên quan đến việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết hợp đồng.
1HÌNH THỨC GIAO KẾT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
Tùy vào nội dung, tính chất của mỗi loại hợp đồng, cũng như là mức độ tin tưởng lẫn nhau của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng mà các bên có thể lựa chọn một hình thức giao kết hợp đồng dân sự cho phù hợp nhất. Căn cứ vào Điều 199 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự, bao gồm:
Giao kết hợp đồng dân sự bằng lời nói:
Đối với hình thức này, các bên khi tiến hành giao kết hợp đồng chỉ cần thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của từng bên, nội dung cơ bản của hợp đồng thông qua lời nói hoặc thực hiện các hành vi nhất định đối với nhau. Hình thức giao kết hợp đồng bằng miệng chỉ xảy ra trong trường hợp các bên đã có mức độ tin tưởng lẫn nhau như người thân, bạn bè vay tiền, thực hiện những công việc đơn giản hoặc đối với những hợp đồng dân sự mà ngay sau khi giao kết sẽ thực hiện và chấm dứt ngay sau đó.
Giao kết hợp đồng dân sự bằng văn bản:
Đây là một hình thức giao kết khá phổ biến trong các giao dịch dân sự, các bên cùng nhau thỏa thuận quyền và nghĩa vụ, các nội dung cơ bản của hợp đồng, sau đó tiến hành lập văn bản, ghi lại tất cả nội dung đã thỏa thuận và cùng nhau ký, xác nhận. Khi có tranh chấp xảy ra, thì hợp đồng được giao kết bằng văn bản là chứng cứ có giá trị pháp lý, trong trường hợp này thì hình thức giao kết bằng văn bản sẽ có lợi thế hơn là hình thức giao kết bằng lời nói. Căn cứ vào văn bản của hợp đồng được giao kết, các bên dễ dàng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách đầy đủ. Thông thường hợp đồng dân sự này sẽ được lập thành nhiều văn bản và mỗi bên tham gia quan hệ hợp đồng sẽ giữ một bản.
Giao kết hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký:
Đối với những loại hợp đồng có nội dung mang tính chất phức tạp, hay xảy ra tranh chấp và đối tượng của nó thuộc những tài sản do Nhà nước quản lý, kiểm soát khi chúng được dịch chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác thì các bên tham gia giao kết hợp đồng phải chọn hình thức giao kết có công chứng, chứng thực. Hợp đồng dân sự được lập theo hình thức này có giá trị pháp lý cao nhất. Vậy nên, đối với những hợp đồng mà pháp luật không yêu cầu phải lập theo hình thức văn bản có công chứng, chứng thực, nhưng các bên muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì vẫn có thể lựa chọn hình thức này để giao kết.
2ĐIỀU KIỆN ĐỂ HỢP ĐỒNG CÓ HIỆU LỰC SAU KHI KÝ KẾT
Hợp đồng dân sự chỉ có hiệu lực khi thỏa mãn đủ các điều kiện sau:
Một là: Chủ thể ký kết hợp đồng phải hợp pháp. Thông thường, điều kiện cơ bản đối với các chủ thể khi ký kết hợp đồng là việc các chủ thể phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Hai là: Các chủ thể ký kết hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện, tự do ý chí của các bên khi tham gia ký kết hợp đồng.
Ba là: Nội dung của hợp đồng không vi phạm các điều cấm của pháp luật và không được trái đạo đức xã hội. Đối tượng của hợp đồng không thuộc hàng hóa bị cấm giao dịch, công việc cấm thực hiện.
Bốn là: Hợp đồng giao kết phải bảo đảm đúng hình thức theo quy định của pháp luật đối với từng loại hợp đồng.
Khi hợp đồng dân sự đã có hiệu lực, các bên phải tiến hành thực hiện các nghĩa vụ dân sự đã thỏa thuận ghi trong hợp đồng. Căn cứ vào hình thức giao kết hợp đồng mà hiệu lực của hợp đồng được xác định theo từng thời điểm khác nhau. Thông thường thì hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm mà các bên giao kết. Tuy nhiên, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự còn được xác định tùy vào sự thỏa thuận mà các bên tham gia giao kết hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP
Bên cạnh việc xác định điều kiện để hợp đồng có hiệu lực, chủ thể cần biết đến các trường hợp vô hiệu của hợp đồng để tránh như:
✔️ Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015)
✔️ Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015)
✔️ Giao dịch dân sự do bị nhầm lẫn (Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015)
✔️ Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015)
✔️ Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 128 Bộ luật Dân sự 2015)
4HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU
Hợp đồng có thể bị vô hiệu từng phần hoặc toàn phần. Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự vô hiệu để lại những hậu quả pháp lý như sau:
✔️ Không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập; Làm cho hợp đồng không có giá trị pháp lý kể từ thời điểm giao kết, cho dù hợp đồng đã được thực hiện trên thực tế hay chưa.
✔️ Nếu giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì được quy đổi thành tiền hoặc vật tương tự để hoàn trả. Hoặc các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
✔️ Hoàn trả các lợi ích thu được từ hợp đồng vô hiệu. Những hoa lợi, lợi tức thu được từ việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu, nếu thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu thì chủ sở hữu được nhận lại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
✔️ Bên nào có lỗi gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.
✔️ Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
5HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA VIỆC ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
Căn cứ Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về việc một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, cụ thể:
✔️ Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng dân sự mà không cần phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên kia vi phạm nghiêm trọng đến nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên giao kết có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định.
✔️ Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Đây là quy định bắt buộc, giống với hủy bỏ hợp đồng, theo đó bên nào muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng.
✔️ Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng không có căn cứ thì bên đơn phương chấm dứt sẽ bị xem là vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Bộ luật dân sự.
Để hiểu rõ hơn về các loại hợp đồng cho từng giao dịch mà bạn muốn thực hiện, để hợp đồng dân sự có hiệu lực và tránh được những rủi ro không mong muốn. Bạn cần hiểu rõ hơn hoặc cần tư vấn thêm những vấn đề khác, hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:
CÔNG TY TƯ VẤN TRƯỜNG THUẬN ĐỨC
VP: 84/74 Nguyễn Thanh Tuyền, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0919 776 599 - 0937 881 506
Zalo: 0919 776 599 - 0937 881 506
Email: congtytruongthuanduc@gmail.com
Website: tuvantruongthuanduc.vn
Rất vui nhận được sự quan tâm từ quý khách hàng.!.