XỬ LÝ HÀNG TỒN KHO KHI GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

XỬ LÝ HÀNG TỒN KHO KHI GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Giải thể doanh nghiệp là thủ tục pháp lý phải tuân theo đúng quy định của pháp luật doanh nghiệp khi doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục giải thể. Khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể thì một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp phải xử lý để doanh nghiệp được giải thể đó là hàng tồn kho, tài sản cố định. Vậy khi thực hiện việc thanh lý hàng tồn kho, tài sản cố định thì có cần phải xuất hóa đơn khi doanh nghiệp đã giải thể hay không? Việc xuất hóa đơn thanh lý hàng tồn kho, tài sản cố định khi công ty đã giải thể thì thực hiện thế nào?

Doanh nghiệp khi tiến hành giải thể mà có bán tài sản là hàng hoá chịu thuế giá tri gia tăng (GTGT) thì phải tính, kê khai, nộp thuế GTGT đối với hàng hoá bán ra, khi bán hàng hoá mà doanh nghiệp đã giải thể thì phải lập hoá đơn đúng theo quy định và kê khai, nộp thuế GTGT.

Khi giải thể doanh nghiệp toàn bộ hàng hoá tồn kho chịu thuế GTGT được giao cho các đơn vị, cá nhân tiêu dùng hoặc kinh doanh tiếp đều phải thực hiện tính và nộp thuế GTGT, giá tính thuế GTGT được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giao nhận, doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp thuế theo đúng quy định.

ton_kho

Khi doanh nghiệp giải thể, đã tiến hành hủy hóa đơn theo quy định và sau đó mới phát sinh việc thanh lý tài sản cần có hóa đơn để giao cho khách hàng thì căn cứ theo quy đinh tại Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về việc cơ quan thuế cấp hóa đơn lẻ cho những doanh nghiệp sau khi đã giải thế như sau:

“2. Hóa đơn do cơ quan thuế cấp theo từng số tương ứng với đề nghị của tổ chức, hộ và cá nhân không kinh doanh gọi là hóa đơn lẻ.

Trường hợp doanh nghiệp sau khi đã giải thể, phá sản, đã quyết toán thuế, đã đóng mã số thuế, phát sinh thanh lý tài sản cần có hoá đơn để giao cho người mua được cơ quan thuế cấp hóa đơn lẻ là loại hóa đơn bán hàng.

Riêng đối với tổ chức, cơ quan nhà nước không thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có bán đấu giá tài sản, trường hợp giá trúng đấu giá là giá bán đã có thuế giá trị gia tăng được công bố rõ trong hồ sơ bán đấu giá do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được cấp hóa đơn giá trị gia tăng để giao cho người mua.

3. Cơ quan thuế cấp hoá đơn lẻ cho việc bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được xác định như sau:

...Tổ chức, hộ, cá nhân có nhu cầu sử dụng hoá đơn lẻ phải có đơn đề nghị cấp hóa đơn lẻ (mẫu số 3.4 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này). Căn cứ đơn đề nghị cấp hóa đơn lẻ và các chứng từ mua bán kèm theo, cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn người nộp thuế xác định số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế. Riêng trường hợp được cấp hoá đơn giá trị gia tăng lẻ thì số thuế giá trị gia tăng phải nộp là số thuế giá trị gia tăng ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng cấp lẻ.

Người đề nghị cấp hóa đơn lẻ lập hóa đơn đủ 3 liên tại cơ quan thuế và phải nộp thuế đầy đủ theo quy định trước khi nhận hóa đơn lẻ. Sau khi có chứng từ nộp thuế của người đề nghị cấp hóa đơn, cơ quan thuế có trách nhiệm đóng dấu cơ quan thuế vào phía trên bên trái của liên 1, liên 2 và giao cho người đề nghị cấp hóa đơn, liên 3 lưu tại cơ quan thuế.”

Trường hợp doanh nghiệp sau khi đã giải thể, đã quyết toán thuế, đã đóng mã số thuế mà phát sinh thanh lý tài sản, hàng tồn kho cần có hóa đơn để giao cho người mua thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn lẻ theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp.

thanh-ly-hang-ton-kho

Như vậy, khi công ty đã làm thủ tục giải thể mà phát sinh thanh lý tài sản cố định, hàng tồn kho thì chủ doanh nghiệp liên hệ với Chi cục thuế nơi doanh nghiệp đã đặt trụ sở để xin cấp hóa đơn bán lẻ hàng hóa, vật tư cho hàng hóa thanh lý, đồng thời doanh nghiệp phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức khoán với những mặt hàng tương ứng. Đối với việc giải thể mà doanh nghiệp còn hàng tồn kho thì chủ doanh nghiệp, người quản lý sẽ không được phép cất dấu, tẩu tán hàng tồn kho, không được ký kết hợp đồng mua bán hàng tồn kho, không được cầm cố, thế chấp, tặng cho hàng tồn kho.

Thủ tục xin cấp hóa đơn bán lẻ

Căn cứ tại Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thì chủ doanh nghiệp cần:

Tổ chức, hộ, cá nhân có nhu cầu sử dụng hoá đơn lẻ phải có đơn đề nghị cấp hóa đơn lẻ theo mẫu số 3.4 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư Thông tư 39/2014/TT-BTC.

Căn cứ đơn đề nghị cấp hóa đơn lẻ và các chứng từ mua bán kèm theo, cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn người nộp thuế xác định số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế. Riêng trường hợp được cấp hoá đơn giá trị gia tăng lẻ thì số thuế giá trị gia tăng phải nộp là số thuế giá trị gia tăng ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng cấp lẻ.

Sau khi được cấp hóa đơn bán lẻ, người đề nghị cấp hóa đơn lẻ lập hóa đơn đủ 3 liên tại cơ quan thuế và phải nộp thuế đầy đủ theo quy định trước khi nhận hóa đơn bán lẻ. Sau khi có chứng từ nộp thuế của người đề nghị cấp hóa đơn, cơ quan thuế có trách nhiệm đóng dấu của cơ quan mình vào hóa đơn của liên 1, liên 2 và giao cho người đề nghị cấp hóa đơn, liên 3 lưu tại cơ quan thuế.

thanh_ly

Lưu ý: Công ty đã làm thủ tục giải thể, đã báo cáo quyết toán xong và đã hủy hóa đơn nhưng nếu cơ quan thuế chưa tới kiểm tra quyết toán thì doanh nghiệp có thể mua hóa đơn để xuất bán thanh lý hàng tồn kho. Trường hợp Cơ quan thuế đã tới kiểm tra quyết toán thì không mua hóa đơn được nữa, toàn bộ khoản thuế đầu vào của số hàng hóa tồn kho đó sẽ phải điều chỉnh giảm đầu vào.

Khi giải thể thì doanh nghiệp cần phải xuất hóa đơn để thanh lý số hàng tồn kho đó, có thể xuất bán hay xuất cho chủ sở hữu của công ty và phải nộp số thuế GTGT, tiền thuế của số hàng này doanh nghiệp đã được khấu trừ khi mua hàng nhập kho, vì một lý do nào đó mà doanh nghiệp không đưa vào sản xuất kinh doanh thì vẫn phải nộp lại, thực tế tiền thuế này cũng không phải do doanh nghiệp nộp mà là của những người mua lại hàng hóa này nộp. Hàng tồn kho có thể căn cứ từng loại hàng tồn kho mà xác định giá bán thanh lý.

Thủ tục giải thể doanh nghiệp:

Bước 1. Chấm dứt hoạt động của các chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh khác.

Hồ sơ bao gồm:

Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh khác;

Quyết định của của Hội đồng quản trị về chấm dứt hoạt động chi nhánh;

Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;

Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;

Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh;

Con dấu của chi nhánh (nếu có);

Giấy xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Bước 2: Quyết định thanh lý tài sản công ty

Thành lập hội đồng thanh lý tài sản, kể cả đới với hàng tồn kho

  • Thành lập hội đồng thanh lý tài sản, bao gồm các thành viên trong công ty và trường hợp cần thiết phải có cán bộ kỹ thuật có chuyên môn liên quan đến tài sản cần thanh lý.
  • Hội đồng thanh lý tài sản có nhiệm vụ thống kê lại số lượng, phân loại tài sản, thu thập các giấy tờ, hồ sơ kỹ thuật có liên quan đến tài sản; đồng thời, kiểm tra đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, từ đó xác định giá trị tài sản. Và tổ chức, thực hiện việc thanh lý tài sản.
  • Kiểm tra, đánh giá chất lượng và giá trị còn lại của tài sản, hàng hóa.
  • Để đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, hàng hóa hội đồng thanh lý có thể dựa trên các yếu tố như: sổ theo dõi chế độ bảo hành, những hỏng hóc gặp phải trong quá trình sử dụng và số lần bảo trì, sửa chữa tài sản; mức độ tiêu hao nhiên liệu; và mức độ cần thiết của tài sản đó, thời điểm nhập và thời hạn sử dụng của các loại hàng hóa; giá tại thời điểm nhập và tại thời điểm hiện tại ...
hop_dong
  • Dựa trên đánh giá chất lượng còn lại, Hội đồng thanh lý cần xác định giá trị còn lại của tài sản. Sau đó, lựa chọn hình thức thanh lý đối với từng loại tài sản.
  • Trong trường hợp việc xác định giá trị tài sản quá phức tạp, không thống nhất giữa các thành viên trong hội đồng, Hội đồng thanh lý không đủ khả năng hoặc không có thời gian để thực hiện thì có thể thuê tổ chức thẩm định giá tài sản thực hiện việc thẩm định giá tài sản.

Hình thức thanh lý tài sản: có thể lựa chọn các hình thức sau tùy thuộc loại hình doanh nghiệp, nguồn vốn chủ sở hữu, và nguồn vốn tạo lập tài sản:

Bán chỉ định, hoặc thông báo bán công khai;

Bán đấu giá tài sản;

Chia đều cho các thành viên góp vốn; hoặc giao cho chủ doanh nghiệp.

Bước 3: Bán tài sản

Tùy từng loại tài sản cũng như hình thức bán tài sản cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật tương ứng: luật doanh nghiệp, luật dân sự, luật thương mại và luật đấu giá tài sản. Hội đồng thanh lý tài sản có thể thành lập tổ bán tài sản, hoặc thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trường hợp thực hiện bán đấu giá tài sản.

Lưu ý, Việc mua bán tài sản doanh nghiệp cần phải được lập hợp đồng mua bán, và có xuất hóa đơn.

Đối với hàng tồn kho thì giải quyết như sau:

Nếu hàng hóa là do thành viên góp vốn thì trả lại cho thành viên theo tỷ lệ góp vốn ghi trong điều lệ của công ty.

Nếu hàng tồn kho do mua vào từ vốn lưu động thì phải xuất hóa đơn GTGT và chú ý giá bán ko thấp hơn 20% giá vốn hàng bán.

Liên hệ cục thuế mua lại hoá đơn để xuất hàng hóa tồn kho. Theo như phần "Thủ tục xin cấp hóa đơn" đã phân tích ở trên.

Lưu ý: Phải thành lập Hội đồng thanh lý, định giá hàng tồn kho hoặc/và thuê tổ chức định giá để xác định hàng tồn kho.

Xử lý hàng tồn kho đã được trích lập dự phòng:

Căn cứ tại Điều 4 Thông tư 48/2019/TT-BTC, Xử lý đối với hàng tồn kho đã trích lập dự phòng như sau:

– Đối với hàng tồn kho do dịch bệnh, hỏa hoạn, thiên tai, hư hỏng, lạc hậu mốt và kỹ thuật, hết hạn hoặc không còn giá trị sử dụng, lỗi thời do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên thì chủ doanh nghiệp lựa chọn huỷ bỏ hoặc thanh lý.

– Khoản tổn thất thực tế của từng loại hàng tồn kho không thu hồi được là chênh lệch giữa giá trị trên sổ kế toán trừ đi giá trị thu hồi từ đền bù của người gây ra thiệt hại, phần bồi thường từ cơ quan bảo hiểm và từ bán thanh lý hàng tồn kho.

– Giá trị tổn thất thực tế của hàng tồn kho không thu hồi được đã có quyết định xử lý: sau khi dùng nguồn dự phòng giảm giá hàng tồn kho để bù đắp, phần chênh lệch được hạch toán vào giá vốn hàng bán của doanh nghiệp.

Thẩm quyền xử lý hàng tồn kho:

Chủ doanh nghiệp phải thành lập Hội đồng xử lý hoặc/và thuê tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị hàng tồn kho hủy bỏ, thanh lý. Phải lập Biên bản kiểm kê xác định giá trị hàng tồn kho cần xử lý do doanh nghiệp lập phải xác định rõ giá trị hàng tồn kho bị hư hỏng, nguyên nhân dẫn đến hư hỏng, số lượng, chủng loại, giá trị hàng tồn kho có thể thu hồi được...

Chủ doanh nghiệp, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, và chủ sở hữu của các tổ chức kinh tế khác căn cứ vào Biên bản của Hội đồng xử lý hoặc đề xuất của tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá, các chứng cứ liên quan đến hàng tồn kho để quyết định xử lý hủy bỏ, thanh lý; Quyết định xử lý thuộc về trách nhiệm của những người liên quan đến hàng tồn kho và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ tài liệu cần có khi tiến hành xử lý hàng tồn kho:

Để xử lý hàng tồn kho đã được trích lập quỹ dự phòng, những người có thẩm quyền xử lý phải căn cứ vào các tài liệu dưới đây trước khi ra quyết định:

– Biên bản kiểm kê: nêu rõ giá trị hàng tồn kho bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng, chủng loại, số lượng, giá trị hàng tồn kho có thế thu hồi được (nếu có);

– Bằng chứng liên quan tới hàng tồn kho hư hỏng như: Hình ảnh, giấy tờ/biên bản xác định chất lượng…

_ Quyết định xử lý hàng tồn kho ...

Nếu bạn có thắc mắc hay bất cứ câu hỏi liên quan đến Chế độ Thuế, kế toán hãy liện hệ với chúng tôi theo thông tin địa chỉ dưới đây

CÔNG TY TƯ VẤN TRƯỜNG THUẬN ĐỨC
VP: 84/74 Nguyễn Thanh Tuyền, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0919 776 599 - 0937 881 506
Zalo: 0919 776 599 - 0937 881 506

Email: congtytruongthuanduc@gmail.com
Website:
tuvantruongthuanduc.vn

Rất vui được đồng hành cùng quý khách.!.

Bài viết chỉ có tính tham khảo. Có thể điều luật trong bài đã hết hiệu lực và đã được thay thế.

Ý kiến của bạn
DMCA.com Protection Status